Từ năm thứ 4 đại học, anh Minh Sơn (cựu sinh viên Đại học Bách Khoa, hiện đang sống tại Gia Lâm, Hà Nội) đã hùn vốn cùng bạn đầu tư mô hình phòng trọ cho thuê. Anh Minh Sơn và một người bạn thuê lại 5 căn nhà trong ngõ, tập trung ở khu vực gần trường đại học như Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại,… Trung bình mỗi căn nhà có 3-5 phòng. Anh Sơn và bạn thuê theo giá nguyên căn.
Sau đó, anh và người bạn quảng cáo trong các hội nhóm sinh viên, trên trang mạng xã hội như nhóm tìm nhà trọ, nhóm cho sinh viên thuê nhà… Trung bình, mỗi một phòng, anh Sơn kiếm chênh từ 500 nghìn -1 triệu đồng/tháng. Với khoảng 20 phòng, dòng tiền thu nhập thụ động mà anh Sơn mang về ước chừng 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài tiền phòng, anh Sơn nhẩm tính, số tiền có thể “ăn chênh” thêm từ tiền điện, nước. Bởi thuê nhà nguyên căn, giá điện, nước tính theo giá dân. Còn khi cho sinh viên hoặc người đi làm thuê, anh Sơn tăng thêm một phần giá. Đến khi ra trường, anh Sơn tự tách hoạt động một mình và duy trì mô hình đầu tư cho thuê này trong vòng 5 năm. Đều đặn mỗi tháng, anh Sơn có thu nhập thụ động 20 triệu đồng.
Tiềm năng từ mô hình bất động sản cho thuê
Anh Trần Văn Minh, chủ văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết: “Mô hình cho thuê bất động sản rất được sinh viên “ưa chuộng” kinh doanh. Với vốn mỏng, họ có thể kiếm được nguồn tiền đều đặn mỗi tháng. Tuy nhiên, điểm khó nhất là việc tìm căn nhà trong ngõ để thuê. Thông thường, khi chưa làm quen, các bạn sinh viên có thể làm qua môi giới. Khi đã thạo, họ tự tìm để tiết kiệm chi phí hoa hồng. Với nhà đầu tư vốn lớn, họ thường đầu tư quy mô rộng hơn, tập trung vào thuê chung cư mini hoặc căn nhà được thiết kế trung bình 5-7 phòng”.